Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

lượm đọc báo

ĐỌC SÁCH: XIN THƯA, DÂN MÌNH KHỔ LẮM!

Nguyễn Trọng Bình

1.

Dạo này người ta hay nói về “văn hóa đọc” giống như nói về hàng trăm thứ “văn hóa” khác nữa (thậm chí có người còn bảo “văn hóa đạo văn nữa”, “văn hóa xếp hàng”!). Khổ quá, sao mà lắm thứ “văn hóa” đến thế? Nhưng mà thôi, giờ trở lại với chuyện “văn hóa đọc”! Trước hết cụm từ “văn hóa đọc” có nghĩa là gì? Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “văn hóa đọc” chính là đọc sách có văn hóa [1]. Điều này đúng, bởi cũng như ta nói “văn hóa giao thông” là giao thông có văn hóa, là mọi người phải thể hiện văn hóa của bản thân khi tham gia giao thông; nói văn hóa giao tiếp và ứng xử” là muốn nói đến con người trong khi giao tiếp và ứng xử phải có văn hóa. Ấy vậy mà không hiểu sao có rất nhiều người hiện nay khi thống kê và khảo sát tỉ lệ người dân đọc sách ở Việt Nam (đặc biệt là ở những người trẻ) và nhận ra rằng tỉ lệ này thấp lại đi đến kết luận: ở Việt Nam không có “văn hóa đọc” hay “văn hóa đọc” ở Việt Nam kém! Sao kì vậy, ít người đọc sách thì cho là không có “văn hóa đọc” hay “văn hóa đọc” kém nghĩa là sao? Hay như có người còn cất công đi khảo sát “văn hóa đọc” ở Việt Nam ngay cả trên những chuyến xe buýt và phát hiện ra rằng “Tìm 2 tháng trên xe buýt mới thấy có 1 người đọc sách” [2] rồi “kết tội” “văn hóa đọc” của người Việt Nam nơi “công cộng” đang là một “thực trạng thê thảm”. Kết luận như thế có vội vã và sai lầm không nếu và lẽ ra phải hiểu cụm từ “văn hóa đọc” là “đọc sách có văn hóa? (cũng xin mở ngoặt nói thêm là như thế nào thì mới được gọi là một người đọc sách có văn hóa nữa ?- rõ khổ!).

2.

Bây giờ chúng ta thử bàn về chuyện vì sao ở Việt Nam tỉ lệ người dân đọc sách không nhiều (nhất là ở những người trẻ như: học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, buôn bán nhỏ, làm thuê, làm mướn…) rồi sau đó hãy xem xét đến việc có nên hay không nên “kết tội” họ là không có “văn hóa đọc” gì đó…

Khổ lắm, mọi người ạ, cứ nhìn vào những đối tượng vừa kể ở trên (mà những “nhà văn hóa đọc” bảo họ là “văn hóa đọc” kém) thì sẽ trả lời được ngay thôi. Họ là những ai? Xin thưa: một là, những người chưa làm ra tiền để tự nuôi sống bản thân mà đang ăn bám vào bố mẹ (học sinh, sinh viên); hai là, những con người “tay lắm chân bùn” quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” (nông dân); ba là, những con người đang bị các ông chủ người nước ngoài bắt phải ngày đêm tăng ca liên tục ở các khu công nghiệp (công nhân); bốn là, những phận người nổi trôi (buôn bán nhỏ lẻ, làm thuê, làm mướn, bán vé số…). Tóm lại, tất cả những đối tượng này đều đang phải ngày đêm vất vã mưu sinh và “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” đấy. Chân dung những người “văn hóa đọc” kém đó mọi người ạ, có nên “kết tội” họ không? Thực ra, người ta không thể mỗi ngày mua 1 tờ báo (tuy giá giá chỉ 3000 đồng, vị chi một tháng là 90000), hay mua một quyển sách văn chương, một quyển sách “bách khoa toàn thư về tri thức của nhân loại” với cái giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn về đọc trong khi cái bụng lúc nào cũng sôi lên ùng ục, “tối về một gói mì tôm” hay trong khi con cái nheo nhóc với đủ thứ chi phí phải lo toan…! Sức lực và thời gian đâu nữa để mà đọc (hay đọc cho có văn hóa). Người ta không thể ăn… không khí để mà đọc sách văn chương và sách “bách khoa toàn thư về tri thức của nhân loại”! Vậy nên, hãy nhìn vào thực tế này mà xót thương cho dân mình đừng vội vã kết tội họ là “văn hóa đọc” kém. Tội cho họ lắm vì suy cho cùng “vật chất quyết định ý thức” mà. Người ta phải dành dụm vay mượn để có tiền mua miếng đất, xây căn nhà lên trước đã rồi mới tính chuyện trồng trước sân loại hoa gì để mà ngắm mà thưởng thức mà thư giãn “tinh thần”... Cũng như các em sinh viên vậy, sáng sớm phải mua ổ bánh mỳ hoặc nắm xôi bỏ vào mồm nhai cho vững bụng cái đã (để còn có sức lên giảng đường học tập) chứ nếu mua tờ báo 3000 đồng/ngày thì tiền đâu để đóng tiền nhà trọ (chủ nhà trọ vừa bảo tháng này sẽ tăng giá đấy) và vô vàn những khoản chi phí khác nữa…?

3.

“Người nước ngoài” đọc sách “mọi lúc mọi nơi” là người nước ngoài ở những nước nào vậy mà sao cứ đem ra so sánh với những học sinh, sinh viên, nông dân, công nhân, buôn bán nhỏ, làm thuê, làm mướn… ở nước ta? Khổ quá, đó là “người nước ngoài” của các nước phát triển như Anh, Mĩ, Pháp, Đức, Nhật, Úc,… mà. Sao không thấy các nhà “văn hóa đọc” nào bay qua Somali, Lybia, Campuchia… cũng là những “người nước ngoài” để tìm hiểu họ có đọc sách mọi lúc mọi nơi không rồi hãy về so sánh với người nước ta? Cứ vậy hoài, cứ thấy người sang là bắt quàng làm họ là sao? Một anh “Tây ba lô” nào đó sang Việt Nam du lịch lúc nào cũng cầm trên tay tấm bản đồ hay cuốn sách nào đó đi dọc miền đất nước được chúng ta mời đón trân trọng đôi khi chỉ là một kẻ thất nghiệp được nhà nước bên xứ họ trợ cấp thất nghiệp thôi. Thử nghĩ xem tiền trợ cấp thất nghiệp của người ta cũng đủ để làm một cuộc “hành trình xuyên Việt” nơi xứ mình rồi thì so sánh với người dân tay lắm chân bùn ở ta làm gì? Vậy nên, đừng so sánh “văn hóa đọc” gì đó theo kiểu này nữa!

4.

Ai có trách nhiệm với quê hương, đất nước Việt mà không thấy lo lắng cho sự lạc hậu của nước mình trên nhiều lĩnh vực nhất là nhìn về thực trạng văn hóa và giáo dục (vốn còn nhiều “vấn nạn” cần phải giải quyết) như hiện nay nếu so với các nước tiên tiến trên thế giới. Ai yêu nước mà không thấy buồn khi biết rằng sách là nguồn tri thức vô tận giúp con người chinh phục thế giới thế nhưng người dân nước mình lại ít khi chịu đọc sách? Tuy nhiên, thấy và buồn là một lẽ nhưng tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục là một lẽ khác. Ví như, trong thời “bão giá” và lạm phát như hiện nay lại đi phát động và tuyên truyền người ta đi mua sách về nhà đọc thì đúng là dù không muốn nhưng cũng phải nói rằng “ai đó” thật là biết sống “lãng mạn” nếu không muốn nói là thần kinh đang có… vấn đề! Sao không tổ chức “ngày toàn dân đọc sách” vào một dịp khác mà lại tổ chức vào đúng thời điểm “bão giá” và lạm phát như hiện nay (hay lại muốn vận dụng phép thắng lợi tinh thần của AQ để xoa dịu người dân?). Hay như muốn cổ vũ cho những người có thu nhập thấp đọc sách sao không “hi sinh” bớt một chút lợi nhuận về bản quyền sách của mình để thể hiện tấm lòng chia sẻ thiết thực và chân thành với người đọc? Một cuốn sách chỉ thực sự có giá trị khi nó đã đến… mắt người đọc (không phải đến tay đâu bởi có nhiều người tuy sách đã đến tay rồi mà vẫn không thèm ngó đấy) chứ không phải nằm ở cái giá bìa vài ba trăm ngàn của nó đâu! Hay như một cuốn sách mà chỉ nằm trên giá sách quanh năm không ai thèm giở ra xem suy cho cùng thì cũng chỉ là… giấy thôi chứ không phải là sách - tri thức của nhân loại.

5.

Nói tóm lại, tóm lại và tóm lại là:

Một, kể từ nay chúng ta thống nhất với nhau là không nên dùng cụm từ “văn hóa đọc” thấp (hay kém) để nói về tỉ lệ người dân Việt Nam ít chịu đọc sách vậy! Bởi vì tỉ lệ người dân ít chịu đọc sách và cái gọi là “đọc sách có văn hóa” (theo nghĩa của cụm từ “văn hóa đọc” ) là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, không thể lấy cái này giải thích cho cái kia.

Hai, chúng ta có thể buồn về tỉ lệ người Việt Nam ít đọc sách thì được nhưng không được kết tội họ này nọ! Bởi vi thực sự dân ta đang khổ lắm các nhà “văn hóa đọc” ạ! “Giá như không có miếng ăn thì cuộc đời này nó giản dị biết chừng nào!” (nhà văn Nam Cao nói trước 1945 đấy)? Và giá như không phải “đầu tắt mặt tối” lo miếng ăn trong thời bão giá này thì tôi tin người Việt Nam mình sẽ đến những hiệu sách mua sách để đọc thôi. Nói thật đó!

Cần Thơ, 27/4/2011

Nguyễn Trọng Bình

Ghi chú:

[1]: Theo bài viết: Vui vì có người ham đọc, buồn bởi sự ưa chen lấn (dẫn lại từ trang Viet - Studies)

[2]: Theo bài viết: Nguyễn Quang Thạch Tìm 2 tháng trên xe buýt mới thấy 1 người đọc sách

(dẫn lại từ trang Viet - Studies)

27-4-11

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

lượm đọc báo

Con đường mang tên Trịnh Công Sơn

Tác giả: Tương Lai

Bài đã được xuất bản.: 01/04/2011 05:00 GMT+7

TRONG MỤC NÀY (Đọc thêm)

· Đi cũng là về!

· Con đường mang tên Trịnh Công Sơn

· Sắp phát hành 5 cuốn sách về Elizabeth Taylor

· Tâm hồn vĩ đại

Lấy tên Trịnh Công Sơn đặt cho một con đường là một ứng xử văn hóa, đáp ứng được đòi hỏi của công chúng biết tôn vinh văn hóa và thưởng thức nghệ thuật. Là một ứng xử văn hóa vì đó chính là biểu thị sự trân trọng sự nghiệp bất tử của một tài năng lớn.

Như một ám ảnh nghệ thuật, bóng dáng "con đường" trong xúc cảm thẩm mỹ của Trịnh Công Sơn thật là phong phú và độc đáo bởi đa tầng ngữ nghĩa. Với Trịnh, con đường là để "từ đó con người đi tìm những con người", theo Trịnh, con đường "làm nên một thứ văn tự, hay nói nôm na hơn, là một thứ chữ viết báo hiệu sự có mặt của đời sống con người" [Thế giới âm nhạc-tháng 3.1997].

Hình như Lỗ Tấn có nói đại ý trên mặt đất vốn không có đường, người ta đi lâu thì thành đường thôi. Trong giai điệu và ca từ của Trịnh Công Sơn, hình ảnh "con đường" thường xuyên xuất hiện. Và, cứ mỗi lần như vậy lại chuyển tải những thông điệp mới. Những thông điệp rất độc đáo, lung linh huyễn hoặc sắc màu của người nghệ sĩ tài hoa, để từ đó tạo dựng nên con đường của Trịnh Công Sơn, con đường của riêng Trịnh trong lòng người. Và chính cái rất riêng ấy tô điểm thêm cho sự lung linh của cuộc đời . Cuộc đời "vẫn lấp lánh hoa/ trên đường đi".

Đó là "đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy", "có nắng vàng lạc trên lối đi", có "lá hát như mưa suốt con đường đi/ có mặt đường vàng hoa như gấm"[Em còn nhớ hay em đã quên], nhưng cũng lại "có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ"[Tôi ơi đừng tuyệt vọng], vì thế mà "tim lăn trên đường mòn" [Ru ta ngậm ngùi], bởi lẽ "đường về xa trời đất mông lung" [Vàng phai trước ngõ].

Người nghệ sĩ tài hoa, thiên tài âm nhạc.

Trong cõi mông lung ấy, trong "trăm năm một cõi đi về" ấy, người nghệ sĩ đắm say trong cô đơn ấy cứ "bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi". Và có lúc con đường trở thành "đường chạy vòng quanh/ một vòng tiều tụy/ một bờ cỏ non/ một bờ mộng mị ngày xưa"[ Một cõi đi về]! Tầng tầng lớp lớp những ý tưởng, cảm xúc dồn nén vào trong hình tượng "con đường" của Trịnh.

Cho nên, phải chăng chỉ riêng với hình tượng "con đường" trong tác phẩm của Trịnh Công Sơn cũng đã đủ để người nghệ sĩ thiên tài này có chỗ đứng cho riêng mình, một cõi đi về trong xúc cảm thẩm mỹ của thế giới nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, độc đáo, huyễn hoặc say đắm lòng người. Nhưng với Trịnh, đâu chỉ có một con đường!Mà rất nhiều, rất nhiều những"đường dài qua cầu lại nối" [Em còn nhớ hay em đã quên].

Thế giới âm nhạc với cảm quan thẩm mỹ đa dạng và độc đáo trong sáng tạo âm thanh, hình ảnh, ngữ nghĩa của Trịnh phong phú, đa dạng, huyễn hoặc đến kỳ ảo, hấp dẫn như một thứ ma lực khó diễn đạt bằng lời. Ngôn từ dường như bất lực trước cái riêng tư của Trịnh. Tuyệt đối riêng tư, không hề lặp lại, không thể lặp lại trong bất cứ sự bắt chước vô tình hay cố ý nào. Chính điều đó làm nên một vùng cảm xúc nghệ thuật riêng của Trịnh. Riêng, rất riêng để rồi bắt gặp được cái chung, rất chung trong cảm quan nghệ thuật của đông đảo công chúng.

Nghiệm ra, khi một người không có cái gì riêng của mình thì phải thấy ở người đó chẳng có gì hết. Trịnh Công Sơn có rất nhiều, vì anh biết giữ lấy cái rất riêng của mình để làm giàu có mãi lên đặng có thể hiến dâng cho cuộc đời. Vì thế, cuộc đời trân trọng sự đóng góp sáng tạo của một tài năng khó so sánh với ai về người nghệ sĩ của mình.

Cho nên, lấy tên Trịnh Công Sơn đặt cho một con đường là một ứng xử văn hóa, đáp ứng được đòi hỏi của công chúng biết tôn vinh văn hóa và thưởng thức nghệ thuật. Là một ứng xử văn hóa vì đó chính là biểu thị sự trân trọng sự nghiệp bất tử của một tài năng lớn.

Và con đường mang tên anh ở Huế

Vì thế, thật xúc động khi, đi trước một bước, thành phố quê hương của Trịnh Công Sơn đã dành cho người nghệ sĩ của mình một con đường tương đối đẹp của thành phố Huế! Con đường bắt đầu từ chân cầu Gia Hội, góc đường Chi Lăng, chạy dọc bờ sông Hương thơ mộng đến góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với những khúc quanh mềm mại, cây xanh, nhà cổ và mặt nước xanh trong, khoan thai trầm mặc.

Liệu đã phải đây chính là con "đường quen lối từng sớm chiều mong"[Như một lời chia tay] nằm cạnh dòng sông của những "ngàn xưa trôi đến bây giờ" [Gần như niềm tuyệt vọng] mà người nhạc sĩ tài hoa ấy đã từng "im lặng dòng sông tôi đã lắng nghe" [Tôi đang lắng nghe]?

Thật ra, khi chưa có con đường mang tên Trịnh Công Sơn thì đã có những "con đường của Trịnh Công Sơn" từng xao xuyến, xốn xang lòng người. Trịnh Công Sơn đã là "một hiện tượng " độc đáo trong đời sống Việt Nam đương đại. "Nhạc Trịnh" đã trở thành một nốt nhấn không thể trộn lẫn, không thể sao chép trong đời sống âm nhạc và nghệ thuật từng xáo động tâm tư nhiều thế hệ.

Nói "nhiều thế hệ", bởi có những người đã hát nhạc Trịnh trước năm 1975 giữa thành phố Sài Gòn, và cũng có những người lính Trường Sơn, như trường hợp nhà thơ Nguyễn Duy, và chắc không chỉ một anh, trong đêm khuya im tiếng bom, đã ghé sát tai vào chiếc radio dã chiến mà lén nghe những giai điệu và ca từ thật lạ. Rất lạ, nhưng lại rất gần với những rung động nghệ thuật có chất men say làm dịu mát tâm hồn.

Và rồi sau 1975, thật lạ lùng, từ nơi đô hội chốn thị thành cho đến những thôn cùng xóm vắng nơi thôn dã, người ta hát nhạc Trịnh. Lạ lùng hơn nữa, có lần xe tôi qua cổng Trời ở Mèo Vạc, chạy dọc con đường gồ ghề để rồi phải dừng lại trước một đống lửa đốt lên bên vệ đường ở mép vực Mã Pí Lèng nhìn xuống thung lũng có con sông Nho Quế mờ mờ uốn lượn, nơi các cháu chăn bò ngồi sưởi ấm để xua bớt đi cái lạnh của sương muối đang giăng đầy, bỗng thoáng đâu đó xa xa có tiếng hát : "cụm rừng nào lá xác xơ cây, từ vực sâu nghe lời mời đã dậy". Chao ôi, đúng rồi, "Cát bụi"!

Nắng chiều đã tắt, trong ánh hoàng hôn làm nhòe dần cảnh vật, chỉ loáng thoáng dáng hình mấy chàng thanh niên, hình như mấy anh bộ đội đi lấy củi rừng về. Thế đó. Tiếng hát Trịnh Công Sơn ngân nga trên con đường đèo heo hút gió nơi cao nguyên núi đá Đồng Văn - Mèo Vạc của Hà Giang "sóng núi tứ bề" [Nguyễn Tuân] này! Sức huyễn hoặc kỳ lạ của nhạc Trịnh là vậy!

Thì ra, không phải chỉ có "xôn xao con đường, xôn xao lá/ nhòe phố mong mamh nhòe phố mưa" [Đoản khúc thu Hà Nội] giữa lòng Hà Nội. Không phải chỉ có con đường "dưới hiên nhìn/ nước dâng tràn/ phố bỗng là dòng sông uốn quanh" "[Em còn nhớ hay em đã quên] giữa Sài Gòn. Không phải chỉ có con "đường xa áo bay/ nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say/ lối em đi về trời không có mây" [Hạ trắng], với những con đường có "ngàn cây thắp nến lên hai hàng/ để nắng đi vào trong mắt em" [Nắng thủy tinh]. Còn có những con "đường dài hun hút cho mắt thêm sâu [Diễm Xưa]. Còn có "đường về ôi quá dài" [Phôi pha] . "Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ" [Tôi ơi đừng tuyệt vọng]. Có "con đường dài vắng người" [ Hãy cứ vui như mọi ngày] để rồi "những dấu chân người cũng bụi mờ" [Cho một người nằm xuống].

Có bao nhiêu con đường trong thi phẩm - nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, là có bấy nhiêu sắc thái độc đáo trong huyễn hoặc và hết sức bất ngờ. Sự huyễn hoặc và bất ngờ với những sáng tạo của ngôn từ và giai điệu của Trịnh đã tạo ra những hình tượng có sức cuốn hút đến kỳ lạ. Và rồi cứ thế, Trịnh dẫn dắt ta "đi lên non cao đi về biển rộng" [Một cõi đi về] trên những "dặm trường/ ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thương". Để rồi từ nơi "muôn trùng nhớ thương" ấy, Trịnh lay gọi thức tỉnh trong sâu thẳm tâm hồn Việt Nam hãy "Nhớ về cội nguồn/ Nhớ về đoạn đường/ Từ đó ra đi"!

"Con đường" trong sáng tạo nghệ thuật của Trịnh Công Sơn quả thực có sức biểu cảm hiếm có nếu chưa muốn nói là độc nhất. Và rồi đây "con đường nằm nghe nắng mưa" [Em còn nhớ hay em đã quên], trong lòng thành phố, con đường Trịnh Công Sơn, sẽ là minh chứng tuyệt vời về sự trân trọng một tài năng âm nhạc đã làm rung động tâm hồn con người thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều cảnh ngộ, nhiều thân phận. Mà cuộc đời thì ngắn ngủi nhưng nghệ thuật thì dài lâu!

"Ôi đường phố dài/ Lời ru miệt mài/ Ngàn năm ngàn năm" [Tuổi đá buồn].

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần